Trong thực tế hiện nay, có nhiều trường hợp công dân do nhu cầu phải cần một nguồn vốn nhất định mà bản thân mình chưa có được nên đã tìm đến nguồn vay bằng việc thế chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) như việc thế chấp QSDĐ tại tổ chức tín dụng. Trong đó, có một thủ tục rất quan trọng là công chứng hợp đồng thế chấp QSDĐ.
Công chứng viên tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý, ghi vào sổ công chứng;
Trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe doạ, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc có sự nghi ngờ đối tượng của hợp đồng là không có thật thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng;
Trường hợp nội dung, ý định giao kết hợp đồng là xác thực, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội thì công chứng viên soạn thảo hợp đồng;
Trường hợp hợp đồng được soạn thảo sẵn, công chứng viên kiểm tra dự thảo hợp đồng; nếu trong dự thảo hợp đồng có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng không phù hợp với thực tế thì công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa. Trường hợp người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng.
Người yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo hợp đồng hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe. Trường hợp người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng thì ký vào từng trang của hợp đồng. Công chứng viên ghi lời chứng; ký vào từng trang của hợp đồng.
2. Hồ sơ gồm có.
– Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng
– Bản sao (bản chụp, bản in, bản đánh máy hoặc bản đánh máy vi tính nhưng phải có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải có chứng thực) giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu; bản sao giấy tờ chứng minh thẩm quyền của người đại diện (nếu là người đại diện).
– Bản sao giấy chứng nhận QSDĐ.
– Hợp đồng thế chấp QSDĐ.
– Bản sao giấy phép xây dựng hoặc dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với trường hợp thế chấp tài sản hình thành trong tương lai mà theo quy định của pháp luật thì tài sản đó phải được cấp phép xây dựng hoặc phải lập dự án đầu tư.
Lưu ý: trong quá trình công chứng phải xuất trình bản chính để đối chiếu.
Ngoài ra, trên thực tế rất nhiều GCN QSDĐ tuy chỉ ghi tên một người nhưng không phải là tài sản riêng của người đứng tên. Vì thế, trong nhiều trường hợp công chứng viên yêu cầu cả sự có mặt của người có liên quan (như vợ hoặc chồng có mặt để ký tên và đồng ý việc công chứng này là hoàn toàn hợp pháp. Việc yêu cầu này cũng có thể được diễn ra với tài sản có giá trị lớn xuất hiện trong thời kỳ hôn nhân mà chỉ đứng tên vợ hoặc chồng như ô tô,…)
Có nhiều trường hợp QSDĐ hình thành trong thời kỳ hôn nhân nhưng GCN vẫn chỉ có tên một người hoặc những trường hợp đất cấp cho hộ gia đình thì khi người có tên trên GCN QSDĐ muốn đưa đất đó vào bất kỳ giao dịch nào cũng phải được các thành viên còn lại trong hộ từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý.